Ở phần 1, ATTO đã giúp các bạn có được cái nhìn tổng quát cũng hướng dẫn các bạn những bước cần thiết khi bạn có ý định nghỉ việc tại công ty.
Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, xin giấy tờ cần thiết từ phía công ty bạn có thể sẽ gặp phải những rắc rối không mong muốn như các trường hợp dưới đây:
1.Công ty không cho thôi việc?
Nếu bạn là nhân viên hợp đồng, chưa đi làm đủ 1 năm và muốn thôi việc chỉ để chuyển sang công ty khác, công ty có cơ sở để không chấp nhận cho bạn thôi việc. Còn nếu bạn ở diện có thể tự do thôi việc, công ty không có quyền ép bạn. Tuy nhiên, để tránh xảy ra những mâu thuẫn không đáng có, bạn nên thể hiện thiện chí thảo luận với công ty về mọi vấn đề, để việc nghỉ việc của bạn diễn ra suôn sẻ đồng thời không ảnh hưởng tới công việc chung của công ty.
2.Công ty không cho nghỉ nốt phép?
Cũng giống như đã nói ở trên, trước hết, bạn nên tích cực trao đổi với công ty về việc làm sao để có thể nghỉ nốt số ngày phép mà không ảnh hưởng tới công việc. Nếu như công ty hoàn toàn không hợp tác, bạn có thể căn cứ vào Nội quy của công ty để nộp giấy xin nghỉ phép và hưởng phép theo quy định.
3.Công ty bắt phải về nước sau khi thôi việc?
Về cơ bản công ty có thể là người đại diện cho bạn khi xin visa, nhưng không phải là người quyết định bạn có được ở lại Nhật hay không, đây là vấn đề giữa bạn và cục XNC. Nếu bạn có visa còn thời hạn và tìm được công ty mới phù hợp với visa để chuyển việc, bạn hoàn toàn có quyền tiếp tục ở lại Nhật làm việc và gia hạn visa các lần tiếp theo ở công ty mới.
Có 1 loại visa tương đối đặc biệt, 企業内転勤(きぎょうないてんきん – chuyển công tác trong nội bộ công ty), người có visa này chỉ được làm theo đúng công ty đã xin ban đầu. Nếu muốn bỏ công ty đó chuyển sang công ty khác làm việc thì phải xin lại visa 技術・人文知識・国際業務 thì mới được làm việc tại công ty mới. Những bạn có visa này cần cân nhắc thật kĩ điều kiện xin visa trước khi quyết định nghỉ việc nhé.
4.Công ty không cho giấy chứng nhận thôi việc, giấy thuế?
2 giấy này công ty đều có nghĩa vụ phải cấp cho bạn nếu bạn có yêu cầu. Bạn có thể nói với họ là họ có khả năng đang vi phạm vào quy định của pháp luật hoặc bạn sẽ nhờ đến sự trợ giú của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, có trường hợp công ty có cấp nhưng không cấp ngay khi bạn yêu cầu được vì nhiều lý do, chưa chốt lương, thủ tục xin dấu nội bộ… nên bạn cần chủ động xin các giấy này ngay khi định thôi việc, càng sớm càng tốt.
5.Nếu công ty không cho giấy thì có nghỉ được không? Có chuyển việc được không?
Có xin được visa các lần tới không? Có thể nghỉ được, có thể chuyển việc được (trừ trường hợp công ty bạn chuyển vào yêu cầu bắt buộc phải có giấy của công ty cũ xác nhận), có thể xin được visa. Vì thực ra việc bạn không được cấp những giấy này không phải lỗi của bạn.
6.Tìm đến ai khi cần người hỗ trợ nếu xảy ra xung đột với công ty?
Bạn có thể tìm đến các cơ quan quản lý như:
労働基準監督署 ろうどうきじゅんかんとくしょ các vấn đề về lao động
税務署 ぜいむしょ các vấn đề về thuế
Hoặc tìm đến luật sư (弁護士) để bảo vệ quyền lợi.
Tất nhiên, bạn cần phải chuẩn bị tinh thần quá trình này sẽ tốn nhiều thời gian công sức và cả tiền (nếu muốn thuê luật sư hay thưa kiện) của bạn.
Đây là chắc chắn những kiến thức cần thiết mà bạn cần trang bị để có thể bảo vệ quyền lợi cho bản thân trong hành trang làm việc tại Nhật Bản. Nếu có gặp vấn đề khó khăn trong khi làm việc tại Nhật Bản,các bạn hãy liên hệ với ATTO nhé!
[…] Link: https://atto.vn/2019/09/10/nhung-dieu-can-luu-y-khi-nghi-viec-chuyen-viec-tai-nhat2/ […]