Giấy chứng nhận tư cách lao động

Khi tư vấn giới thiệu việc làm hoặc tưu vấn visa, ATTO đã gặp nhiều trường hợp các bạn không biết có thủ tục xin giấy chứng nhận tư cách lao động, hoặc biết mù mờ không rõ nó để làm gì, xin như thế nào,… Chính vì vậy, ATTO xin chia sẻ 1 chút thông tin hữu ích về thủ tục này để các bạn tham khảo nhé!

1. Giấy chứng nhận tư cách lao động là gì?

Giấy chứng nhận tư cách lao động(GCNTCLĐ), tiếng Nhật gọi là 就労資格証明書(しゅうろうしかくしょうめいしょ)là văn bản chứng nhận hoạt động lao động mang lại thu nhập hoặc thù lao mà một người nước ngoài có thể làm, do bộ trưởng bộ Tư pháp cấp, dựa trên yêu cầu của người đó.

2. Giấy chứng nhận tư cách lao động dùng để làm gì?

GCNTCLĐ là giấy tờ ghi rõ hoạt động mà người lao động nước ngoài có thể được làm, vì vậy có thể coi nó là công cụ hỗ trợ cho bản thân người lao động nước ngoài và người chủ sử dụng lao động trong việc xác định nghiệp vụ nào là nghiệp vụ người đó có thể làm và nghiệp vụ nào không.

3. Giấy chứng nhận tư cách lao động thường được xin vào thời điểm nào?

Tại công ty đầu tiên mà bạn làm việc với visa lao động, Cục xuất nhập cảnh đã xét tới nội dung công việc mà bạn làm khi cấp visa rồi. Vì vậy dĩ nhiên khi bạn được cấp visa tức là nội dung công việc mà bạn làm tại công ty này là hợp pháp, do vậy việc xin chứng nhận tư cách lao động ở công ty này không có nhiều ý nghĩa.
Thông thường các trường hợp xin giấy chứng nhận tư cách lao động thường là khi chuyển việc sang công ty tiếp theo. Vào thời điểm này, visa lao động của bạn vẫn còn thời hạn, do vậy bạn vẫn tiếp tục làm việc bình thường, chỉ thông báo với cục xuất nhập cảnh về việc chuyển việc. Nếu bạn hoặc công ty nơi bạn chuyển việc không chắc chắn việc nội dung công việc mới có phù hợp với tư cách lưu trú hay không, bạn có thể xác nhận bằng cách xin giấy này.

4. Giấy chứng nhận tư cách lao động trông như thế nào? Có những trường hợp nào xảy ra khi xin giấy này?

1) Trường hợp giấy xác nhận hoạt động lao động là phù hợp(○○会社で○○行われる活動が○○に該当する)
2) Trường hợp giấy xác nhận hoạt động lao động là không phù hợp(○○会社で○○行われる活動が○○に該当しない)

Khi xin các loại visa thông thường các bạn có thể phân biệt rất rõ các trường hợp đỗ trượt, vì đỗ thì sẽ nhận được thẻ ngoại kiều hoặc COE (và phải trả tiền phí), trượt thì không nhận được. Tuy nhiên khi xin giấy chứng nhận tư cách lao động bạn LUÔN NHẬN ĐƯỢC GIẤY (và trả tiền phí 1400 yên) dù trong trường hợp phù hợp hay không phù hợp.
Một số bạn khi nhận được giấy với tự đề 就労資格証明書 là yên tâm rằng mình đã được chứng nhận, nhưng các bạn cần đọc kĩ câu được ghi trên đó, nếu là 該当しない (hoặc cách diễn đạt khác, nhưng ý nghĩa giống như vậy) tức là cục XNC nhận định rằng công việc ở công ty này không phù hợp với tư cách lao động của bạn. Khi đó bạn cần trao đổi lại với công ty để chuyển sang nghiệp vụ khác phù hợp hoặc chuyển sang công ty khác.

5. Một số lầm tưởng về giấy chứng nhận tư cách lao động

1) Khi đổi việc BẮT BUỘC phải xin giấy này
Trên website của cục XNC có ghi rõ giấy chứng nhận tư cách lao động không phải giấy phép cho phép bạn hoạt động lao động, và dù không có giấy này cũng không có nghĩa là bạn không được phép hoạt động lao động ở một công ty nào đó. Công ty cũng không được phép căn cứ vào việc có trình ra được giấy này hay không để phân biệt đối xử hay có những hành động gây bất lợi cho bạn. 
Vì vậy bạn cần phân biệt giữa NÊN CÓ và BẮT BUỘC CÓ, cân nhắc mục đích của bản thân để xem có nên xin hay không. 

2) Có giấy này CHẮC CHẮN sẽ gia hạn visa được ở công ty mới
Giấy chứng nhận này có thể coi là 1 lợi thế để bạn tự tin gia hạn visa ở công ty mới. Tuy nhiên, khi xin gia hạn, cục XNC xem xét ở nhiều góc độ, quá trình bạn làm việc/chuyển việc, tình trạng công ty cũ, tình trạng công ty mới, v.v… chứ không chỉ dừng ở việc xem nội dung công việc có phù hợp hay không. Bên mình cũng đã gặp trường hợp có giấy chứng nhận lao động tại công ty hiện tại rồi vẫn trượt do quá trình làm việc ở công ty cũ có vấn đề.

Về thủ tục xin giấy chứng nhận này, các bạn có thể tham khảo trên trang web của cục xuất nhập cảnh nhé!

Nguồn tham khảo: http://www.immi-moj.go.jp/tetuduki/zairyuu/syuurou.html